Thần học Anh_giáo

Elizabeth I.

Trung dung

Quyết định của Henry VIII ly khai khỏi Công giáo Rô-ma khởi phát từ những tranh chấp về thẩm quyền và những lợi ích – nhất là do lập trường của Vương quyền tin rằng các giáo hội quốc gia phải có quyền tự trị - chứ không dính líu gì đến những bất đồng về thần học. Tuy nhiên, từ thời trị vì của Edward VI, và nhất là từ lúc Định chế Tôn giáo thời Elizabeth ra đời, nỗ lực kiến tạo một giáo hội quốc gia vẫn tiếp nối truyền thống đồng thời chấp nhận một số luận điểm thần học và giáo nghi của những nhà cải cách đã giúp hình thành Anh giáo, một cộng đồng các giáo hội với những nét đặc thù bên trong thế giới Cơ Đốc giáo.

Sự phân biệt giữa Cải cách và Công giáo, cũng như sự chọn lựa giữa hai truyền thống luôn là vấn đề gây tranh cãi bên trong các giáo hội thành viên và giữa các giáo hội thuộc Cộng đồng Anh giáo. Kể từ khi Phong trào Oxford khởi phát giữa thế kỷ 19, nhiều giáo hội thuộc Cộng đồng Anh giáo khởi sự phục hồi các nghi thức và mục vụ tương tự với Công giáo Rô-ma. Suốt thế kỷ qua, trong khi những người Công giáo Anh có khuynh hướng chú trọng đến nghi lễ và nếp cũ, thì những người Anh giáo Tin Lành vẫn tiếp tục duy trì đức tin và sống đạo phù hợp với khuynh hướng Cải cách.

Nguyên tắc định hướng

Sách Cầu nguyện chung năm 1549.

Đối với nhóm "Thượng giáo hội" (Công giáo Anh), nền thần học của họ không được xác lập bởi Quyền Giáo huấn của giáo hội (như Công giáo Rô-ma), hoặc từ một nhà thần học khai sáng (như Thần học Calvin), cũng không lập nền trên những bản tín điều (như Giáo hội Luther). Đối với họ, văn kiện thần học Anh giáo nguyên thủy là "Sách Cầu nguyện chung", mà họ xem là sự thể hiện một tư duy thần học sâu sắc đi cùng với tinh thần hòa giải và bao dung. Lex orandi, lex credenda ("Luật của sự cầu nguyện chính là luật của đức tin"). Bao hàm trong sách cầu nguyện là những nguyên lý của thần học Anh giáo: Bản Tín điều các Sứ đồ, bản Tín điều Nicene, và bản Tín điều Athanasian (dù bản tín điều này không còn được sử dụng rộng rãi), Kinh Thánh (qua nghi thức đọc Kinh Thánh trong lễ thờ phượng), các thánh lễ, cầu nguyện hằng ngày, sách dạy giáo lý, và quyền kế thừa các sứ đồ. Trong khi đó, đối với những người "Hạ giáo hội" (Anh giáo Tin Lành), bản "Ba mươi chín Tín điều" theo khuynh hướng Cải cách là nền tảng hình thành nền thần học của họ. Trải qua nhiều thế kỷ, hai khuynh hướng này được chấp nhận trong tinh thần cộng sinh bên trong Cộng đồng Anh giáo.

Ban đầu, bản "Ba mươi chín Tín điều" giữ vị trí quan trọng trong thần học và sống đạo Anh giáo. Từ năm 1604, tất cả chức sắc Anh giáo phải tuyên bố tuân giữ bản tín điều này. Ngày nay, bản tín điều chỉ còn được xem là một văn kiện lịch sử, dù từng có thời là nhân tố chủ chốt trong việc định hình bản sắc Anh giáo. Các tín điều được nhìn nhận từ những góc độ khác nhau. Lấy thí dụ, khi xem xét giáo lý xưng công chính, những người Công giáo Anh cho rằng cần có đức tin, việc lành, và các thánh lễ; còn người theo khuynh hướng Tin Lành tin rằng chỉ có đức tin vào Chúa Giê-xu chúng ta có thể nhận lãnh sự tha thứ của Thiên Chúa, và việc lành là hệ quả tất yếu của một con người đã được thay đổi bởi ân điển.

Tượng Richard Hooker trước Nhà thờ chính tòa Exeter.

Tuy nhiên, giáo huấn nổi bật nhất của bản tín điều thể hiện ở Điều VI về "sự trọn vẹn của Kinh Thánh", tuyên bố rằng Kinh Thánh chứa đựng mọi điều cần thiết cho sự cứu rỗi: vì vậy bất cứ điều gì không được viết, không được chứng thực trong Kinh Thánh, thì không ai có nghĩa vụ phải tin như là một phần của Đức tin, hoặc phải xem đó là cần thiết cho sự cứu rỗi. Điều VI đã có ảnh hưởng trên sự luận giải và giảng luận Kinh Thánh của Anh giáo từ lúc ban đầu cho đến nay.

Anh giáo cũng công nhận thẩm quyền của "những nhà thần học chuẩn mực". Sau Thomas Cranmer, nhà thần học có nhiều ảnh hưởng nhất là Richard Hooker, từ sau năm 1660, ông được xem là "cha đẻ" của tinh thần Anh giáo. Theo Hooker, thẩm quyền của Anh giáo đến từ Kinh Thánh, được thông hiểu bởi lý trí (sự thông tuệ và trải nghiệm đối với Thiên Chúa), và truyền thống (những thông lệ và xác tín của giáo hội), đã tạo ảnh hưởng trên Anh giáo hơn bất cứ truyền thống nào khác. Cần nên biết giáo huấn "kiềng ba chân" (Kinh Thánh, lý trí, và truyền thống) thường gán cho Hooker là không đúng. Theo Hooker, Kinh Thánh là nền tảng và là đứng đầu trong trật tự thẩm quyền, rồi mới đến lý trí và truyền thống, hai điều này dù quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu, nếu so với Kinh Thánh.

Sự phát triển của Anh giáo đến nhiều xứ sở không nói tiếng Anh, sự đa dạng của sách cầu nguyện, và sự quan tâm ngày càng lớn trong nỗ lực đối thoại với các giáo hội khác, đã dẫn đến sự xem xét lại những giá trị của bản sắc Anh giáo. Nhiều tín hữu Anh giáo xem "Bốn Luận điểm" được thông qua tại Hội nghị Lambeth năm 1888 là "nền tảng và tối cần thiết" cho bản sắc Anh giáo.[1] Nói tóm tắt, Bốn Luận điểm này là Kinh Thánh, chứa đựng mọi điều cần thiết cho sự cứu rỗi; các Tín điều (đặc biệt là Tín điều các Sứ đồ và Tín điều Nicene), là bản tuyên ngôn đầy đủ cho đức tin Cơ Đốc; hai thánh lễ Báp têm và Tiệc Thánh; và quyền kế thừa các Sứ đồ.[1]